Lần thứ 3 đưa ra đấu giá, biển số ‘siêu VIP’ 30K-567.89 được chốt hơn 12 tỉ
Trong lần thứ ba đưa ra đấu giá, biển số ‘siêu VIP’ 30K-567.89 của Hà Nội vừa được một đại gia chốt giá hơn 12 tỉ đồng.
Sáng 6.12, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tiếp tục tổ chức đấu giá trực tuyến biển số xe ô tô.
Tại lượt đấu đầu tiên, diễn ra từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30, biển số nhận được nhiều chú ý là 30K-567.89 của Hà Nội.
Sau 1 tiếng đấu giá, biển số “siêu VIP” nói trên được một đại gia chốt giá thành công với mức 12,57 tỉ đồng.
Biển số 30K-567.89 từng được đấu giá thành công 2 lần, nhưng do người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên đến nay được đưa lên sàn đấu giá lần thứ 3.
Ở lần đầu tiên, biển số này được trả giá hơn 13 tỉ đồng, đến lần thứ hai thì bất ngờ tăng lên gần 17 tỉ đồng. Tuy nhiên, do cả 2 lần đều không thể bán tài sản thành công, ngân sách nhà nước chỉ thu về 80 triệu đồng là số tiền đặt trước mà người trúng đấu giá bị phạt.
Biển số ‘siêu VIP’ 30K-567.89 được đại gia chốt hơn 12 tỉ
So với 2 lần trước, số tiền 12,57 tỉ đồng được chốt cho biển số 30K-567.89 lần này dù “khiêm tốn” hơn, nhưng vẫn được đánh giá là rất cao.
Cũng vì vậy, nhiều ý kiến băn khoăn về việc người trúng đấu giá có hoàn thành nghĩa vụ tài chính hay không, liệu có khả năng bỏ cọc lần thứ ba?
Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, cho biết quy định về đấu giá hiện hành không cấm hành vi bỏ cọc, nên việc người trúng đấu giá biển số 30K-567.89 không hoàn thành nghĩa vụ tài chính vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.
Cũng theo quy định, người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì sẽ bị mất số tiền đặt trước. Điều này đồng nghĩa, nếu biển số 30K-567.89 bị bỏ cọc lần thứ ba, ngân sách chỉ thu về được 40 triệu đồng.
Làm gì để không tiếp tục bỏ cọc?
Việc bỏ cọc đấu giá biển số xe, thậm chí bỏ cọc nhiều lần, đã ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình tổ chức đấu giá loại tài sản này. Vậy, làm gì để câu chuyện bỏ cọc không tiếp tục xảy ra?
Luật sư Hùng cho rằng, với quy định hiện nay như đã nêu, để hạn chế bỏ cọc là rất khó. Bởi lẽ, ngoài mất tiền đặt trước, người trúng đấu giá nếu không hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ không phải chịu thêm chế tài nào khác. Trường hợp không vì mục đích đấu giá được tài sản, họ sẵn sàng chấp nhận bỏ số tiền trên.
Để giải quyết “gốc rễ” vấn đề, vị luật sư nhận định cần sửa đổi quy định pháp luật liên quan đến đấu giá tài sản. Việc sửa đổi tập trung vào hai khía cạnh: thứ nhất là người tham gia đấu giá tài sản phải chứng minh và đảm bảo được khả năng tài chính, thứ hai là xử phạt theo phần trăm giá trị tài sản trúng đấu giá nếu người trúng đấu giá bỏ cọc.
Xem nhanh 20h ngày 6.12: Lần thứ 3 đưa ra đấu giá, biển số ‘siêu VIP’ 30K-567.89 được chốt hơn 12 tỉ
Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội thảo luận về dự án luật Đấu giá tài sản sửa đổi. Để hạn chế tình trạng bỏ cọc đấu giá nói chung, đấu giá biển số xe nói riêng, một số đại biểu đề nghị tăng mức tiền đặt trước đối với mỗi biển số đưa ra đấu giá (thay vì chỉ 40 triệu đồng như hiện nay), hoặc áp dụng hình thức phạt hợp đồng theo phần trăm giá trị biển số trúng đấu giá nếu người trúng đấu giá bỏ cọc.
Có ý kiến thì đề nghị nghiên cứu chế tài xử phạt hành chính đối với người trúng đấu giá bỏ cọc, hoặc không cho phép tham gia các phiên đấu giá tiếp theo.
Đặt trước 40 triệu đồng cho mỗi biển số
Để chuẩn bị cho các phiên đấu giá biển số, Cục CSGT Bộ Công an công khai danh sách hơn 153.000 biển số xe ô tô của 63 tỉnh, thành.
Giá khởi điểm của một biển số là 40 triệu đồng, mỗi bước giá là 5 triệu đồng. Người tham gia đấu giá cần đặt trước 40 triệu đồng cho mỗi biển số muốn tham gia và 100.000 đồng phí hồ sơ.